Hẳn ai trong chúng ta đều biết khi xảy ra hỏa hoạn, 90% nguyên nhân gây tử vong nằm ở việc chúng ta sẽ hít phải khói dẫn đến thiếu oxi và tử vong. 10% còn lại gây tử vong do lửa. Vì vậy bài viết này sẽ tập trung chia sẻ tới các bạn một phương pháp hiệu quả để chống ngạt của anh Minh Trần. Các bạn cùng tham khảo nhé.
Theo anh Minh Trần chia sẻ thì phương pháp thoát hiểm khi cháy này "rất đơn giản" và ai, gia đình nào cũng có điều kiện thực hiện tốt nhằm giảm thiểu được thiệt hại rất lớn cho bản thân và gia đình.
Việc đầu tiên các bạn cần phải làm, đó là giữ bình tĩnh. Hầu hết mọi người khi nhìn thấy khói đều rơi vào trạng thái hoảng loạn, vội vã tìm đường thoát thân mà không biết rằng nguy cơ "tử thần khói" rình rập họ là rất cao.
Do khói độc đậm đặc và áp suất trong nhà kín sẽ tăng rất nhanh nên bạn cần ngay lập tức mở cửa ở hướng không có cháy để giảm áp. Bạn lưu ý không được mở cửa ở hướng có cháy và khói xông vào phòng. Chú ý: không được mở cửa ở hướng có cháy
Khăn mặt, vải được nhúng ướt
Sử dụng một chiếc khăn mặt hoặc một mảnh vải được nhúng ướt rồi đưa lên bịt mũi miệng sẽ giúp bạn tránh ngạt khói vô cùng hiệu quả. Ngay khi phát hiện có cháy, các thành viên trong gia đình nên nhanh chóng tìm đến khăn mặt, vải nhúng ướt che kín miệng và mũi để lọc không khí khi hít thở, tránh ngạt khói gây nguy hiểm. Nên có sẵn một chai nước trong mỗi phòng sẽ giúp bạn làm ướt khăn, vải nhanh chóng nhất.
Vừa dùng khăn ẩm để bịt mũi, vừa trườn, bò khi di chuyển ra chỗ thoát hiểm - bí kíp cứu mạng sống còn khi chung cư gặp hỏa hoạn
Bạn cũng có thể thực hiện biện pháp tránh ngạt do khói rất đơn giản như sau.
Dụng cụ cứu nạn ở đây đơn giản chính là tấm nệm bạn đang nằm ngủ. Bạn lấy một tấm nệm (màu xanh như hình minh họa) dựng lên một góc khoảng 45 độ và bạn chui vào trong.
Ở trường hợp cửa sổ: bạn sẽ để một khe thoáng phía trên khoảng chừng 30cm để khói có thể trượt qua tấm nệm và bốc lên ra ngoài trời.
Đối với ban công: bạn sẽ dựng tấm nệm sao cho phần đáy của nó tiếp xúc được với sàn và tường rồi chui vào đó tránh khói.
Khi tránh được khói độc bạn đã có đến 90% cơ hội sống sót trong lúc nguy cấp thời gian tính bằng giây.
Ngoài ra, theo lời khuyên của các chuyên gia cứu hộ, bạn cũng cần phải nhớ xác định chính xác vị trí của ngọn lửa, vị trí của nguồn khói. Trong trường hợp luồng khói từ trên cao, hoặc ngay trong tầng của bạn, hãy nhanh chóng di chuyển ra cửa thoát hiểm và chạy thoát xuống các tầng dưới. Đặc biệt, không sử dụng thang máy để thoát hiểm khi tòa nhà xuất hiện cháy.
Còn nếu khói xuất phát từ các tầng dưới thì sao? Khói có tốc độ bốc lên khá nhanh - khoảng 122m/phút. Do đó nếu khói xuất phát từ tầng dưới, nhiều khả năng cầu thang bộ đã bị khói bít kín.
Bạn đang ở tầng cao, hãy tìm cách di chuyển ngược lên trên tầng thượng, vì di chuyển trong môi trường dày đặc khói quá lâu sẽ khiến bạn gục ngã trước khi thoát.
Chưa hết, khi đến nơi, bạn cần xác định hướng gió để chọn góc lánh nạn hợp lý để làm giảm sự ảnh hưởng từ ngọn lửa như sức nóng, khói thổi.... Từ đó, ta sẽ có nhiều thời gian để chờ cứu hộ giải cứu.
Đồng thời, bạn hãy tránh xa những không gian gây ngạt như phòng kín và các địa điểm có thể gây nổ như bình ga, tủ lạnh, máy lạnh… Lúc di chuyển bạn phải cúi thấp xuống hoặc trườn, bò.
Ngoài những vật dụng này, bạn nên trang bị thêm mặt nạ chống khói, bình dưỡng khí, chăn chống cháy, thang dây thoát hiểm, bình cứu hỏa cá nhân, bình CO2… sẵn trong nhà, đề phòng tai nạn xảy ra bất chợt khi cháy nhà. Đây là những vật dụng mà bất cứ gia đình nào cũng nên trang bị, nhất là khi ở trên tầng cao
- Sưu tầm -