Mới đây, cháu H.A (Lê Chân, Hải Phòng) cởi trần truồng, mếu máo khóc đi lại dọc đường tàu Trần Nguyên Hãn, trong khi mẹ đứng gần đó liên tục mắng nhiếc và cầm roi thỉnh thoảng đánh vào người cháu khiến nhiều người bức xúc. Cháu bé 12 tuổi đang học ở một trường THCS trên địa bàn quận Kiến An, Tp.Hải Phòng.
Trước lời khuyên can của những người xung quanh, chị N. cho biết đã hết cách và chỉ còn cách này mới có thể khiến cho con thấy xấu hổ mà không ăn trộm tiền. Theo lời chị N. phân trần, con trai chị không chỉ ăn trộm tiền ở nhà mà còn cả đình chùa. Cán bộ công an địa phương đã đến nhắc nhở, cảnh cáo với chị N. về hành vi nói trên.
Phạt con bằng cách đánh hay mắng nhiếc là điều mà không ít phụ huynh vẫn áp dụng. Thậm chí, đa số phụ huynh vẫn quan niệm rằng, chỉ có như vậy mới có thể dạy dỗ con nên người. Thế nhưng, không phải ai biết rằng những trận đòn, lời mắng chửi chỉ khiến rẻ sợ hãi nhất thời mà đôi khi không hiểu vì sao bản thân bị phạt bị mắng và làm gì sai.
Sự sợ hãi của trẻ sẽ là ký ức trong mặt tâm lý về lâu dài. Trong khi cái phụ huynh muốn trẻ hiểu là lần sau không được tái phạm lại không thực hiện được. Vì quá sợ hãi mà trẻ sẽ bỏ quên cả những lời dạy dỗ của bố mẹ. Nhưng cái quan trọng hơn cả là trẻ không hiểu vì sao bố mẹ lại cấm không cho làm điều đó.
Hay như cách đây không lâu, vì con lấy tiền đi chơi game, thậm chí ngồi ở quán net cả ngày, một người mẹ đã mắng nhiếc và chửi bới con ngay tại quán. Nhiều ý kiến của cư dân mạng cho rằng, con sai khi làm như vậy nhưng người mẹ cần dạy bảo tinh tế hơn.
"Cách hữu hiệu nhất là phân tích cho con hiểu được bố mẹ đã vất vả làm ra đồng tiền thế nào. Ngồi ở quán net cả ngày như vậy có hại ra sao, ảnh hưởng thế nào đến học tập....", một cư dân mạng cho hay.
Chuyên gia nói gì?
Trao đổi với chúng tôi, chuyên gia Vũ Thu Hương (Đại học sư phạm Hà Nội) bày tỏ sự đáng sợ khi đọc được thông tin về cháu bị mẹ bắt cởi truồng đứng bên đường vì trộm tiền.
Chuyên gia Thu Hương cho rằng, cháu bé có thể bị sang chấn về mặt tâm lý sau sự việc trên. Cháu bé không chỉ cảm giác mặc cảm với mọi người hay bạn bè mà còn cảm thấy nhục nhã.
"Phụ huynh ai chẳng muốn con mình trưởng thành và không phạm lỗi. Nhưng bố mẹ sinh ra con cái song không thể đối xử và hạ nhục con cái trong trường hợp như vậy. Dù cháu bé còn nhỏ, thậm chí chưa thể tự đưa ra quyết định riêng cho bản thân nhưng vẫn phải được tôn trọng. Nhiều người còn nói là "thương cho roi cho vọt" tôi không ủng hộ điều này đặc biệt với những phụ huynh cho rằng muốn tốt cho con nên có thể bạo hành", chuyên gia Vũ Thu Hương nói.
Về trường hợp phụ huynh đã nhắc nhở nhưng con vẫn tái diễn, chuyên gia Vũ Thu Hương cho rằng, bản thân phụ huynh phải dạy cho trẻ hiểu được những quy định và hình phạt theo quy định của pháp luật khi mắc phải điều này.
"Phụ huynh phải giải thích cho trẻ hiểu được cảm giác của người mất tiền. Và việc mất tiền đó có thể dẫn tới điều gì, khốn đốn và vất vả ra sao. Chỉ có như vậy trẻ mới hiểu được việc nếu lấy tiền của người khác là sai và có thể đẩy một người nào đó vào tình huống khó khăn. Cho nên trẻ không vi phạm, nếu chỉ cảnh cáo hoặc nhắc nhở chung chung có thể lần sau trẻ vẫn tái phạm", chuyên gia Vũ Thu Hương nói.
Chuyên gia Thu Hương cũng đưa ra dẫn chứng ví dụ như khi nhắc con không được cho tay vào ổ điện thì phụ huynh phải chỉ rõ cho trẻ thấy được sự nguy hiểm có thể gặp phải, hậu quả sau đó..."Chỉ khi hiểu được cặn kẽ, bản chất của sự nguy hiểm và hậu quả có thể gặp thì trẻ mới sợ và không dám làm. Chỉ nói chung chung thì rất có thể trẻ vẫn chưa ý thức được sự nguy hiểm như thế nào", chuyên gia nói.
(Sưu tầm)