Cách làm bánh nướng trung thu nhân thập cẩm cực thơm ngon đón rằm tháng Tám:
Dù có biến tấu bánh nướng trung thu kiểu gì đi chăng nữa thì bánh nướng nhân thập cẩm vẫn không thể thiếu được trong mâm cỗ đón rằm của gia đình mình. Đúng là cách làm bánh nướng nhân thập cẩm có hơi kỳ công, đòi hỏi tâm huyết và niềm yêu thích bánh. Nhưng một khi đã làm thành công món bánh này thì cảm thấy "ấm lòng" lắm, vì món bánh nướng thập cẩm luôn gợi lên nhìu ý nghĩa của đêm rằm. Thực ra, cách làm bánh nướng nhân thập cẩm không hề khó chút nào đâu, chỉ cần có nước đường ngon và đầy đủ nguyên liệu làm nhân bánh là thành công và ngon lành ngay ý mà. Thêm 1 điều mà mình rất tâm đắc là bánh nướng trung thu nhân thập cẩm tự làm có vị ngọt vừa phải, không ngọt sắc đến khé cổ như đi mua ngoài hàng nhưng vẫn giữ đúng hương vị và cốt cách của bánh trung thu truyền thống. Với những nàng mới "tập" làm bánh trong mùa trung thu năm nay cũng không cần phải lo nhé, trong bài viết này mình sẽ hướng dẫn cách là bánh trung thu nhân thập cẩm thật chi tiết và tỉ mẩn để các nàng có thể dễ dàng hình dung được nhé
Nguyên liệu cần chuẩn bị:
- Phần nhân bánh thập cẩm: 100gr hạt điều rang bóc vỏ, 100gr mứt bí, 100gr mứt sen, 100gr hạt dưa rang bóc vỏ, 80gr vừng rang, 3 chiếc lạp xưởng, 100gr mỡ đường, trứng muối (nếu thích), 8-10 lá chanh.
- Phần làm chất kết dính của nhân: 70ml rượu mai quế lộ (một loại rượu thơm dùng để làm gia vị nấu ăn), 1 thìa cà phê con nước đường, 1 thìa cà phê con dầu hào, 70ml nước lọc,1/2 thìa ngũ vị hương, 70gr bột nếp rang.
- Phần vỏ bánh: 500gr bột mỳ; 1/3 thìa cà phê banking soda; 350gr nước đường, 1 thìa cà phê nước tro tàu (nếu có), 100gr dầu ăn, 1 lòng đỏ trứng gà loại to (nếu trứng gà ta nhỏ dùng 2 lòng đỏ), 1 muỗng cà phê rượu mai quế lộ, vài giọt màu dừa (nếu có)
- Hỗn hợp quết mặt bánh: 2 lòng đỏ trứng; 1 muỗng cà phê dầu ăn; 1/2 muỗng cà phê nước màu dừa. Đánh tan hỗn hợp này và lọc lại qua rây. Ngoài ra mình cũng hướng dẫn qua cách làm mỡ đường như sau: Mỡ phần thái hạt lựu. Đun sôi nước rồi luộc mỡ khoảng 3 phút, sau đó đổ mỡ ra rổ cho ráo nước. Mỡ ráo trộn mỡ với đường tỷ lệ đường gấp đôi tỷ lệ mỡ. Để mỡ chỗ thoáng mát cho chuyển màu trong là được. Nên ướp mỡ đường trước một ngày khi làm bánh.
Phần thực hiện:
- Bước 1: Chuẩn bị các nguyên liệu trộn nhân: 100gr hạt điều rang bóc vỏ, 100gr mứt bí, 100gr mứt sen, 100gr hạt dưa rang bóc vỏ, 80gr vừng rang, 3 chiếc lạp xưởng, 100gr mỡ đường, trứng muối (nếu thích), 8-10 lá chanh. Trong đó, lạp xưởng đem luộc chín và thái hạt lựu. Cho hạt điều, mứt sen, hạt điều, hạt dưa và lạp xưởng vào máy xay thực phẩm xay sơ (xay qua 1 lượt mục đích là để các nguyên liệu hòa hợp hương vị với nhau hơn). Sau khi xay sơ mới trộn vừng rang, mỡ đường và lá chanh thái sợi vào trộn đều.
- Bước 2: Pha hỗn hợp bao gồm: 70ml rượu mai quế lộ, 1 thìa cà phê con nước đường, 1 thìa cà phê con dầu hào, 70ml nước lọc,1/2 thìa ngũ vị hương, khuấy đều cho các gia vị được hòa tan vào nhau mình tạm gọi là hỗn hợp A và đem chia thành 3 phần, bột nếp các nàng cũng đem chia thành 3 phần nhé được tạm gọi là hỗn hợp B. Tiếp đó, cứ đổ 1 phần hỗn hợp A ra bát lại đổ đè 1 phần hỗn hợp B lên trên. Lúc này chúng mình đã có 3 bát con hỗn hợp mới chính là 3 phần nhân bánh và nhân bánh đã có độ kết dính cao
- Bước 3: Thường thì bánh nướng được nặn với phần nhân gấp đôi phần vỏ, nghĩa là khuôn 75 gram thì trong đó : phần nhân 50 gram và phần vỏ 25 gram, nếu các nàng muốn có 1 lớp vỏ dày dặn hơn thì dùng 40 gram nhân và 35 gram vỏ. Phần vỏ bánh chúng mình sẽ nhào bột như sau: cho 500 gram bột mỳ (đã lọc qua rây cho bột mỳ được mịn) trộn cùng 1/3 thìa banking soda. Khoét lỗ tròn rồi cho phần nguyên liệu còn lại bao gồm: 350gr nước đường, 1 thìa cà phê nước tro tàu (nếu có), 100gr dầu ăn, 1 lòng đỏ trứng gà loại to (nếu trứng gà ta nhỏ dùng 2 lòng đỏ), 1 muỗng cà phê rượu mai quế lộ, vài giọt màu dừa (nếu có). Dùng thìa cán cứng khuấy đều từ trong ra ngoài. Nhào bột cho đễn khi hỗn hợp bột dẻo, không dính tay, tạo thành 1 hỗn hợp thống nhất thì bọc khối bột lại bằng màng bọc thực phẩm và ủ bột trong khoảng 30 phút để bột nghỉ
- Bước 4: Sau khi bột ủ xong, các nàng rắc chút bột mỳ khô ra bàn cán, để 1 lớp thật mỏng, viên tròn rồi cán bột thành từng miếng mỏng, với những nàng mới làm bánh lần đầu có thể dùng cân bánh để cân đúng trọng lượng của vỏ và nhân mà mình đã nói đến ở bước 4 nhé. Đặt viên nhân vào giữa, nhẹ nhàng áp vỏ bột lên viên nhân, bắt đầu từ phần dưới đáy. Thường thì phần vỏ sẽ không bao hết đâu mà chỉ bao 1 phần nhân thôi nên phải miết và kéo cho ở phần bột ở mép vỏ bao kín hết viên nhân. Sau khi bao đều vỏ quanh nhân, các nàng miết cho thật kín, nếu có không khí giữa nhân và vỏ ( vỏ sẽ hơi phồng và mềm) thì dùng tăm chọc cho phần khí này thoát hết ra và nhớ miết kín lại. Chuẩn bị 1 cái cọ, quết 1 lóp dầu ăn mỏng lên khuôn bánh nướng (để phần nhân không bị dính chặt vào khuôn, nhưng lưu ý là chỉ 1 lớp dầu ăn mỏng thôi các nàng nhé), cho viên bánh vào khuôn, ép cho viên bánh dàn đều rùi lấy bánh ra. Chuyển bánh lên khay nướng (khay nướng cần lót 1 lớp giấy nến để bột bánh không bị dính vào khay) nhưng cần nhẹ nhàng vì lúc này bánh rất mềm, tránh làm méo mó hình dạng của bánh.
- Bước 5: Nướng bánh: Lò phải được làm nóng trước khi nướng bánh khoảng 15-20 phút để khi đưa bánh vào lò thì nhiệt độ sẽ đạt đến mức cần thiết. Lò cần có đủ 2 lửa trên và dưới, nướng bánh ở nhiệt độ 180 độ. Với bánh khoảng 75 gram thì các nàng nướng khoảng 7 phút, đến khi bánh chuyển màu trắng đục thì các nàng lấy ra, xịt nước khắp mặt bánh
- Bước 6: Bánh nguội, thì dùng chổi lông mềm chấm nhẹ vào hỗn hợp quết mặt bánh và bắt đầu quết nhanh lên mặt bánh. Chú ý không để trứng bám quá dày lên mặt bánh và ko quết mạnh tay sẽ bị mất hoa văn bánh.Tiếp tục cho vào lò nướng thêm khoảng 5 phút, lấy bánh ra và tiếp tục quy trình quết mặt bánh như vừa nãy là bánh chín. Làm tổng cộng ba lần là bánh chín. Lần nướng cuối các nàng để ý sau khi nướng khoảng 5phút mà bạn muốn có màu đẹp hơn thì có thể nướng lâu hơn một chút.
Bánh mới nướng xong thường có màu hơi hanh vàng và nhạt màu. Nhưng chỉ cần để khoảng 1 ngày, bánh sẽ xuống dầu, bóng đẹp, mềm thơm lắm. Ngay sau khi bánh nguội, các nàng có thể cho luôn vào túi hoặc hộp có túi chống ấm. Bánh ngon nhất là sau khoảng 3 ngày, bánh xuống dầu, đẹp mắt, mềm và thơm nhất. Các nàng có thể đóng hộp để dành tặng những người yêu quý, sẽ là một món quà cực ý nghĩa trong mùa trung thu năm nay đấy
Một số điều cần lưu ý:
- Ở phần bỏ bánh, các nàng có thể không cần dùng nước tro tàu nếu không chuẩn bị được, theo mình thấy, không có nước tro tàu bánh trung thu vẫn thơm ngon như thường. Tương tự, rượu mai quế lộ cũng là 1 loại nguyên liệu không bắt buộc
- Bột mỳ nên sử dụng loại bột mỳ số 8 sẽ ngon hơn bột mỳ đa dụng
- Bánh sẽ ngon nhất trong 3 ngày đầu vì lúc này bánh xuống dầu, nếu muốn để lâu hơn 5 ngày nên bảo quản trong tủ lạnh, nhưng vị bánh sẽ không ngon bằng 3 ngày đầu đâu nhé.
- Cách nấu nước đường bánh nướng, mình đã chia sẻ rất chi tiết trong bài viết trước, các nàng có thể tham khảo tại đây nhé.