15.3.11

Sô-cô-la + ba công thức mới

Bài viết: sô-cô-la, đàn bà và tình yêu viết cho báo Đẹp số tháng 2/2011. Ở đây white_poplar chỉnh lại một chút cho phù hợp với blog. Công thức được viết ở dưới cuối bài.



Nếu con đường dẫn đến trái tim người đàn ông là qua dạ dày, vậy con đường nào dẫn đến trái tim người đàn bà?

Gordon Ramsay, một trong những đầu bếp nổi tiếng nhất thế giới, nói rằng sô-cô-la là vũ khí ông chinh phục vợ mình. Trong buổi hẹn hò đầu tiên, chàng đầu bếp trẻ khi ấy còn vô danh nướng tặng nàng Tana trẻ đẹp một chiếc bánh có tên Moelleux au Chocolat. Chiếc bánh ấy nhỏ tí, bé chỉ bằng lòng bàn tay thôi. Bên ngoài là lớp bánh mỏng, bên trong là sô-cô-la ấm, dạng lỏng. Khi dùng thìa ăn, bánh sẽ tách ra, lộ ra chất sô-cô-la kia. Sau lần ấy, nàng Tana hoàn toàn bị chinh phục, đem tặng chàng cả trái tim. Sô-cô-la có một khả năng thần kì với người phụ nữ!

Cũng như tất cả phụ nữ khác trên thế giới này, tôi yêu sô-cô-la.Những năm đại học, tôi thích sô-cô-la đen, loại 60% cô-ca trở lên. Sô-cô-la đen và cà phê đen không đường cho một thủa ngỗ nghịch, cho một cái tôi “ngông” nào đó. Xét cho cùng sô-cô-la đen không hẳn là ngon. Vì ít sữa và kem, nên thường có cảm giác khô và đắng ở lưỡi. Nhưng thích thì cứ thích thôi.

Rồi một ngày tôi gặp nàng, người đưa ra cái triết lí về sô-cô-la và tình yêu. Sau một chặng đường yêu đương với anh chàng X, nàng mua một lô sô-cô-la đến nhà tôi giải sầu. Toàn sô-cô-la trắng. Theo cách lí giải của nàng, sô-cô-la cũng như tình yêu, ngọt và đắng. Thế nên nó mới khiến người ta mới nghiện. Còn nàng, từ bây giờ sẽ chỉ ăn sô-cô-la trắng. Trắng, ngọt lịm và béo, tan trong lưỡi. Nó vẫn là sô-cô-la nhé, nàng nhấn mạnh, vẫn làm từ bơ cacao. Nhưng sô-cô-la trắng là sô-cô-la cho những kẻ sợ vị đắng tình yêu.

Đến bây giờ, khi nàng nói sẽ ghé qua, tôi vẫn thường chuẩn bị pot de crème làm từ sô-cô-la trắng. Cảm hứng bắt nguồn từ một món ăn ngọt của Pháp từa tựa như bánh caramen, nhưng tan trong miệng và không có nước đắng. Một món ăn trẻ con, bởi nó lạnh, ngọt lịm và béo ngậy, rất hợp với thứ quả có vị chua như dâu hay quả mâm sôi.


Đến bây giờ tôi vẫn chỉ chọn sô-cô-la đen hoặc trắng như một thói quen. Nhưng có đôi khi Mr. B chồng tôi tặng vài thanh sô-cô-la sữa. Thường thì nó cứ nằm đó, không ai đụng đến tới khi tôi hứng chí vào bếp. Có một lần, tôi quyết định dùng phong sô-cô-la ấy làm sô-cô-la viên (chocolate truffles) gửi tặng lại anh. Kỉ niệm tình yêu đẹp, có cả ngọt và đắng.


1.3.11

{Công thức} Nào thì làm kem xôi


Dân học trò Hà Nội ai chắc cũng một lần được ăn Kem Xôi. Từ thủa bé (cái ngày còn bùng học :D), tớ đã ăn kem xôi ở gần trường Trần Phú. Thực ra hồi bé tí mẹ cho đi ăn cũng thích lắm. Chắc xếp thứ hai, sau kem Tràng Tiền thôi.

Cái mà tớ thích nhất ở kem xôi là phần xôi dẻo dẻo, thơm mùi lá dứa (hay ngoài Bắc gọi là lá nếp), và mấy miếng dừa sấy khô. Ngon ngon là. Phần kem thì cũng thường thôi – có vị dừa, nhưng không mịn và béo lắm. Hồi bé thấy kem đấy ngon vì chưa được ăn các loại kem khác. Bây giờ thì thấy nó…chán.


Thế thì tự làm vậy. Tớ muốn làm kem xôi mà có dậy mùi dừa sấy khô, chứ không phải loại kem dừa thông thường. Công thức mà tớ làm thử hôm nay ngon tuyệt, chắc chắn là vị kem dừa ngon nhất mà tớ từng ăn. Trong phần nguyên liệu không có cốt dừa, mà dùng dừa nạo khô rang qua, mùi rất thơm. Cộng với vị ngọt lịm của đường mật rất hợp. Kết luận: nếu ai lười nấu xôi thì ít nhất cũng nên làm kem này ăn nhé. (Lưu ý: món này cần có máy làm kem).

Còn về phần xôi – sở dĩ có màu xanh vì tớ cho vị lá dứa (pandan paste) vào. Ai có lá dứa tươi thì xay lá dứa, vắt lấy nước sẽ có màu nhẹ hơn như ở Hà Nội. Tớ dùng loại hạt nếp đầu tròn như ở Việt Nam, thấy cơm dẻo hơn đó.